Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Cách xử lý “đặc sản tin đồn” tại Thị trường chứng khoán Việt Nam

 

Thị trường 2 tuần qua đón nhận nhiều thông tin, đặc biệt là TIN ĐỒN – đặc sản của TTCK Việt Nam. Việc đón nhận TIN ĐỒN không phải là xấu, tuy nhiên cùng ta phải biết tiếp nhận và xử lý thông tin cho phù hợp, không ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư.

VNIndex tuần qua tăng 30.33 điểm (+2.67%) bất chấp nhiều luồng thông tin trái chiều, tôi tin chắc là nhiều NĐT dù gạo cội trên thị trường đều có những lung lay trước biến động của thị trường. Dành cho những NĐT còn chưa biết xử lý tin tức như thế nào, tôi xin gửi đến bài viết: Cách xử lý “đặc sản tin đồn” tại Thị trường chứng khoán Việt Nam

Nội dung bài viết gồm các phần chính:

I. Xử lý thông tin – Phán đoán tình huống

II. Phân tích kỹ thuật, một công cụ để kiểm soát cảm xúc

-----------------------------------------------------------------------------

I. Xử lý thông tin – Phán đoán tình huống

Trong một bài viết vào tháng 3/2023, mặc dù bối cảnh đã khác nhau, nhưng vấn đề đặt ra vẫn tương tự như thế. Giao dịch ở thị trường tài chính, chúng ta đón nhận rất nhiều thông tin hàng ngày, đặc biệt đó là những TIN ĐỒN – nhằm đánh vào tâm lý sợ hãi của chúng ta, và tâm lý là thứ giết chết rất nhiều trader.

Nhà tạo lập thị trường hoặc các đội nhóm có dòng tiền lớn hiểu được vấn đề này, sẽ dùng cách truyền thông (báo chí) hoặc đặc sản TIN ĐỒN tại Việt Nam để ra các thông tin tích cực/tiêu cực các thời điểm quan trọng để tác động lên tâm lý và dòng tiền của những NĐT cá nhân.

Cũng như, trước các biến động của thế giới, chúng ta cũng đón nhận nhiều thông tin tiêu cực/tích cực song song, từ đó tác động lên tâm lý thị trường. Nên việc xử lý thông tin không chính xác, rất dễ dẫn đến sai lầm, hoặc rủi ro giao dịch lớn.

Khi chúng ta biết tin, thì là người biết cuối cùng 

Thị trường tài chính hoạt động dựa trên tâm lý, tâm lý được hình thành bởi đám đông và đã là đám đông thì sẽ diễn ra tình trạng “bất cân xứng thông tin”. Tức là trên thị trường có rất nhiều thông tin mà người này biết trước, người kia biết sau,… Một số đội nhóm trên thị trường với lợi thế thông tin sớm, sẽ tận dụng “sự bất cân xứng thông tin” để có thể tạo ra lợi nhuận lớn cho mình. Và cũng chính vì lý do này, việc NĐT cá nhân biết tin tức trên truyền thông, thì thường là những người biết sau cùng – giai đoạn cuối của việc công bố thông tin.

Với mục đích là tạo “sự bất cân xứng thông tin” để tạo lợi nhuận, thì thử hỏi, nếu chúng ta là người biết cuối cùng, thì đó có còn là cơ hội không không? Chính vì vậy, khi đón nhận 1 thông tin chúng ta cần thực hiện các bước sau:

1. Bình tĩnh khi đón nhận thông tin tích cực/tiêu cực. Hiểu rằng “chúng ta đã ở 1 sân chơi lớn nguyên liệu là dòng tiền”, và thông tin đang là 1 chất xúc tác trong cuộc chơi đó.

2. Xử lý thông tin theo ba câu hỏi sau:

(1) Thông tin này là mới hay cũ?

(2) Thị trường nghĩ gì về thông tin này? Phán đoán thị trường phản ứng ra sao sau tin này?

(3) Hệ quả tiếp theo (thông tin, sự kiện tiếp theo) ảnh hưởng lên thị trường sẽ là gì?

Việc trả lời được 3 câu hỏi trên, theo như trình tự sẽ có những tác động tích cực nhất định lên cả chuyên môn và hành động của chúng ta. Việc đánh giá lại thông tin – sẽ giúp mình trau dồi được kiến thức chuyên môn, đánh giá được mức ảnh hưởng của thông tin đó. Và việc suy nghĩ về các sự kiện tiếp theo sẽ là gì, sẽ giúp chung ta chủ động hơn trong hành động, phán đoán được tình huống xảy ra, tránh sự hưng phấn/bi quan quá mức so với đám đông.


II. Phân tích kỹ thuật, một công cụ để kiểm soát cảm xúc

Công cụ Phân tích kỹ thuật sẽ thật sự hiệu quả trong việc xác định điểm ra/vào, bổ sung cho những đánh giá thông tin và phán đoán tình huống ở mục I. Bởi vì, các đánh giá và phán đoán trên, nó nằm ở chuyên môn và phân tích vĩ mô/cơ bản, còn cái quan tâm tiếp theo sẽ là HÀNH ĐỘNG GIÁ của thị trường là gì? Và chỉ có phân tích kỹ thuật mới giúp chúng ta làm được điều đó.

Phân tích kỹ thuật có rất nhiều tín hiệu, chỉ báo, ở giai đoạn hiện tại, theo em chúng ta chỉ cần quan tâm đến 2 nhóm chỉ báo như bên dưới:

1. Xác định vùng hỗ trợ/kháng cự của VNIndex (cổ phiếu)

Hỗ trợ/kháng cự là những lý thuyết cơ bản của Phân tích kỹ thuật, việc xác định được các vùng hỗ trợ/kháng cự sẽ giúp chúng ta phán đoán được hành động giá và phản ứng của đám đông (khối lượng) tại các vùng giá quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường giao dịch theo tâm lý, thì hỗ trợ/kháng cự là chỉ báo kỹ thuật có tính hiệu quả cao – nếu chúng ta kết hợp thêm sự xử lý thông tin, phán đoán tình huống thì sẽ tăng tính hiệu quả hơn nữa.

2. Sử dụng Chỉ số kỹ thuật sức mạnh xu hướng

Trong hơn cả nghìn chỉ báo PTKT, nhưng chúng ta có thể chia thành 2 nhóm chính:

- Nhóm chỉ số trung bình động: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật dùng làm kháng cự/hỗ trợ, điểm giao cắt giữa đường nhanh và đường chậm,… rất hiệu quả. Nhóm chỉ số trung bình động này như là Moving Average, Bollinger Band, Đám mây Ichimoku,…

- Nhóm chỉ số sức mạnh xu hướng: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật sử dụng phải linh hoạt hơn, cách sử dụng đơn giản là hướng đi của chỉ số, đảo chiều của chỉ số, phổ biến hơn là quá bán/quá mua/phân kỳ,… như Stochastic, Commodity Channel Index (CCI), Relative Strength Index (RSI), Average Directional Index (ADX), Momentum,…


Ví dụ về case cổ phiếu VXX:

Ngày 06/07/2023, có “tin đồn” tiêu cực ảnh hưởng về hoạt động đầu tư của công ty VXX liên quan đến vấn đề trái phiếu, dẫn đến hành động bán tháo, cổ phiếu đóng cửa giảm hơn 10% trong 2 phiên. Trong khi các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra bình thường, còn có kết quả tốt trong quý 2/2023. Chúng ta xử lý tình huống này như sau:

(1) Thông tin này là mới hay cũ?

Theo đánh giá của tôi, thông tin này là CŨ, bởi vì vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp đã luôn được nhắc đến vào giai đoạn Q3 Q4/2022 rồi, nên sự chuẩn bị cho những rủi ro chắc chắn đã có, nên thông tin này đã không còn mới nữa – mà đã là cũ, thì giá đã phả ánh xong thông tin này.

(2) Thị trường nghĩ gì về thông tin này? Phán đoán thị trường phản ứng ra sao sau tin này?

Xét về tâm lý hành vi, thì khi thông tin này được tung ra => thị trường sẽ nghĩ thông tin này tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn lên hoạt động của doanh nghiệp. Vì nếu xét về con số, thì quy mô lượng trái phiếu này cũng rất lớn => thị trường sẽ bán mạnh trên cổ phiếu này.

(3) Hệ quả tiếp theo (thông tin, sự kiện tiếp theo) ảnh hưởng lên thị trường sẽ là gì?

Kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, về số liệu báo cáo Q1/2023, doanh nghiệp hoạt động bình thường, kết quả kinh doanh ổn định trong bối cảnh thị trường còn khó. Ngoài ra, trong suốt thời gian 6 tháng đầu năm, cổ phiếu VXX còn tăng giá hơn 50%, thu hút NĐT quan tâm rất lớn.

Điều chúng ta quan tâm tiếp theo, đó chính là chu kỳ ngành, xu hướng thị trường và KQKD Q2/2023 của VXX chứ không phải là tin đồn kia nữa. Đó mới là điều chúng ta quan tâm – và các điều này bình thường.

Sử dụng phân tích kỹ thuật

Ngày 06/07, VXX có một phiên giảm mạnh kèm thanh khoản cao nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu. Lực hấp thụ lượng bán là rất tốt, về tất nhiên, về tín hiệu kỹ thuật thì đây là 1 tín hiệu tiêu cực.

Tuy nhiên, thì NĐT cũng phải giữ bình tĩnh, vì VXX có hỗ trợ mạnh tại vùng 16.5 – 17 đây là vùng giá mà VXX phải mất 4 tháng để break thành công, đồng thời đây cũng là điểm chạm của đường MA50.

Ngoài ra, sang ngày tiếp theo, 07/07 thì RSI đã xuất hiện phân kỳ dương, và CCI đã vào vùng quá bán của cổ phiếu => tín hiệu ngừng giảm => hành động không bán bằng mọi giá, không bán trong sợ hãi, bình tĩnh lại để đánh giá vấn đề.

Như vậy, với cách tiếp cận 1 vấn đề, đặc biệt “đặc sản tin đồn” tại Việt Nam thì các bước trên rất quan trọng và hiệu quả dành cho những NĐT cá nhân chưa biết xử lý thông tin đó như thế nào. Đồng thời, chúng ta biết phải làm gì khi đón nhận 1 thông tin, tránh cảm xúc hưng phấn/sợ hãi trong đầu tư có thể dẫn đến những hành động mua/bán sai lầm.


Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét