Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

VNINDEX: Tạo đỉnh hay sự điều chỉnh bình thường?

 


VNINDEX tuần qua đã có mức giảm 5.15% tương đương giảm hơn 73 điểm – mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua. Sự giảm điểm này là khá bất ngờ, và gần như trái với kỳ vọng NĐT khi HOSE vận hành hệ thống mới, nhiều CP đã quay đầu giảm từ 10% – 20%. Dẫn đến nhiều lo ngại cho NĐT, đặc biệt là những NĐT mới tham gia thị trường.

Dẫu biết rằng tăng/giảm là một phần của thị trường, nhưng những đợt điều chỉnh mạnh như vậy, đều mang lại một tâm lý lo lắng cho NĐT, và sẽ luôn sợ rằng VNINDEX đã lập đỉnh sau thời gian dài tăng giá, dẫn đến những quyết định không chính xác, chỉ nhìn thấy rủi ro chứ không thấy cơ hội.

Vậy thị trường đang trải qua một đợt điều chỉnh bình thường hay là tạo đỉnh? Đợt điều chỉnh này đã kết thúc hay chưa? Hành động của chúng ta là gì? Hiểu được vấn đề này, em xin gửi đến NĐT bài viết: VNINDEX: TẠO ĐỈNH HAY SỰ ĐIỀU CHỈNH BÌNH THƯỜNG?

Nội dung bài viết gồm 2 phần chính:

I. TÂM LÝ – MỘT YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG ĐẦU TƯ.

II. VNINDEX ĐÃ TẠO ĐỈNH HAY ĐANG ĐIỀU CHỈNH BÌNH THƯỜNG?

III. HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA NHỮNG THỜI ĐIỂM NÀY?

===============================================


I. TÂM LÝ – MỘT YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG ĐẦU TƯ.

Để nói về Tâm lý trong đầu tư, đây là một vấn đề rất rộng, tâm lý đến từ việc không biết mua cổ phiếu nào, mua thì sợ giảm, không mua thì sợ tăng, hoặc thị trường tăng quá mạnh sợ mua đỉnh nên không giải ngân, thị trường giảm quá mạnh thì hoảng loạn bán ra,… để giải quyết tất cả vấn đề này cần một khoảng thời gian trải nghiệm TTCK thật tốt mới có thể vững tâm được.

Chính vì vậy, nội dung trong phần này, em sẽ nói đến một trong các tâm lý mà NĐT dễ mắc phải, đó là sự lo ngại thái quá về xu hướng thị trường, dẫn đến những quyết định không chính xác lên cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Để là một NĐT thành công, chúng ta cần 3 yếu tố: Một phương pháp giao dịch có kết quả tốt; Một tâm lý ổn đinh; Một kế hoạch quản trị rủi ro. Hãy thử liên kết 3 yếu tố này lại, và tự đánh giá bản thân mình đã hình thành các tiêu chí cho 3 yếu tổ trên hay chưa? Và rồi từ đây, chúng ta có thể thấy được rằng, tâm lý là một yếu tố cần phải xây dựng để có thể đầu tư tốt hơn.

William O’neil đã từng nói: Đừng bao giờ tranh cãi với thị trường. Sức khỏe và sự bình yên trong tâm hồn bạn quan trọng hơn bất cứ cổ phiếu nào. Trong câu nói này, O’neil muốn nói đến giữa Việc chúng ta có thể làm và Việc chúng ta không thể làm – và biến động thị trường là điều mà chúng ta không thể làm trái được, chúng ta cũng không thể làm thay đổi xu hướng thị trường, thị trường luôn đi theo đúng bản chất của nó là tăng và giảm. Riêng điều chúng ta có thể làm được đó là Hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, một tinh thần tốt, tích cực, để tạo cho chúng ta một tâm lý thoải mái nhất, từ đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

Tâm lý trong đầu tư, đó là trạng thái đứng giữa cái được và mất. Vậy chúng ta cần làm gì để được và mất đó dễ chấp nhận hơn? Một nguyên tắc dùng để Xác định xu hướng thị trường – Tại sao không? Chúng ta đều biết, 75% các cổ phiếu sẽ đi theo xu hướng thị trường chung, và nhiệm vụ của NĐT đó là kiếm tiền trong thị trường tăng giá, và rút khỏi thị trường khi chu kỳ giảm giá xuất hiện.

Xu hướng thị trường sẽ diễn ra trong một thời gian đủ dài, việc nắm bắt đúng xu hướng thì chúng ta đã nắm được 75% tỷ lệ chiến thắng (có nghĩa là 75% tỷ lệ được và 35% còn lại là mất) từ đó giúp ta tự tin hơn khi giải ngân. Ngoài ra nhờ vào những Nguyên tắc xác định xu hướng thị trường, chúng ta sẽ có một sự tính toán tốt hơn, bình tĩnh hơn trong những đợt điều chỉnh, từ đó sẽ dễ dàng nhìn thấy cơ hội trong rủi ro, và nắm bắt cơ hội khi phần lớn NĐT đang lo sợ.


II. VNINDEX ĐÃ TẠO ĐỈNH HAY ĐANG ĐIỀU CHỈNH BÌNH THƯỜNG?

Trước khi đi vào trả lời câu hỏi này, để tránh phát sinh những câu hỏi, em xin trình bày: Trong vô vàn những phương pháp xác định xu hướng thị trường, thì đây là một cách xác định theo số liệu, là tín hiệu kỹ thuật và theo em là đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, độ chính xác cao. Nên đây là riêng biệt, nó sẽ khác với các cách xác định xu hướng khác.

Trong một bài viết hồi Tháng 8/2020, khi Việt Nam bước vào làn sóng dịch lần thứ 2 và thị trường giảm điểm, em đã nhắc đến Nguyên tắc để xác định xu hướng thị trường, và nếu NĐT theo dõi đến bây giờ, Nguyên tắc này vẫn chính xác tính tới thời điểm hiện tại (Xem lại Bài viết TẠI ĐÂY):

Tiêu chí xác nhận Thị Trường Con Bò – Thị Trường Con Gấu

Bò và Gấu – là cách gọi cho thị trường xu hướng tăng và xu hướng giảm. Theo nghiên cứu của William O’neil:

+ Thị trường con Bò xuất hiện, khi chỉ số có mức tăng hơn 20% tính từ đáy được thiết lập. Các đợt điều chỉnh thông thường trong xu hướng tăng của thị trường là từ 10% - 15%, và những đợt điều chỉnh như vậy không làm thay đổi toàn bộ xu hướng tăng của thị trường.

+ Thị trường con Gấu xuất hiện, khi chỉ số có mức giảm trên 20% tính từ đỉnh cao mới được thiết lập gần nhất. Các đợt tăng với mức tăng từ 10% - 15% chỉ là những đợt phục hồi ngắn hạn, và thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm.

Áp dụng theo đúng nguyên tắc Xác định xu hướng thị trường ở trên, cho chúng ta thấy được rằng, kể từ thời điểm tạo đáy tháng 4/2020 của VNINDEX, thị trường đã có những đợt điều chỉnh mạnh, và không có đợt điều chỉnh nào lớn hơn 20% để thị trường bước vào Xu hướng giảm. Có thời điểm giảm hơn 16% ở Tháng 1/2021, nhưng thị trường vẫn phục hồi và tăng mạnh mẽ hơn. Đây là cơ sở cho niềm tin vào xu hướng tăng của thị trường vẫn còn tiếp diễn ở các thời điểm điều chỉnh đó.

Và ở thời điểm hiện tại, VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.296 điểm ngày 12/07, tương đương mức giảm gần 11% từ đỉnh 1.424 điểm trong tuần trước, còn cách khá xa so với tỷ lệ 20% mà O’neil đưa ra. Chính vì vậy, em đánh giá ĐÂY CHỈ LÀ MỘT NHỊP ĐIỀU CHỈNH BÌNH THƯỜNG CỦA THỊ TRƯỜNG, xu hướng tăng của VNINDEX vẫn chưa kết thúc.

Việc chán nản với một tâm lý tiêu cực và rời khỏi thị trường thời điểm này sẽ làm chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội, cũng như dễ dẫn đến việc tham gia trở lại sau này bị trễ nhịp. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội cho các góc nhìn tích cực, khi P/E thị trường đã có mức giảm đáng kể - tạo kích cầu có dòng tiền của NĐT Nước ngoài, cùng với đó là nhiều Cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt đã được chiết khấu về những vùng giá rất hấp dẫn thích hợp cho chiến lược mua tích lũy.


III. HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA NHỮNG THỜI ĐIỂM NÀY?

Chiến lược: Chọn mặt gửi vàng trong Bản tin tháng 7/2021 (Xem lại TẠI ĐÂY)

Trong bài viết Bản tin tháng 7/2021 em gửi ra trong tuần trước, em đã đề ra chiến lược cho tháng này với mục tiêu tìm kiếm những cơ hội riêng và vẫn quản trị rủi ro hiệu quả:

(1) Để giảm RỦI RO HỆ THỐNG, những rủi ro nằm ngoài sự kiểm soát của NĐT. Chúng ta hãy thận trọng với tỷ lệ giải ngân, hạn chế dùng tỷ lệ margin cao ở thời điểm này, và hãy đề ra một mức dừng lỗ nhất định (thông thường là dừng lỗ ở mức 7% - 10%). Vì rủi ro hệ thống rất dễ dẫn đến hiệu ứng Domino trong chiều bán, nên việc bảo vệ thành quả phải đặt lên hàng đầu. Phòng thủ tốt, sẽ phản công hiệu quả hơn.

(2) Tháng 7 là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm với tăng trưởng lợi nhuận khả quan được dự đoán vẫn ghi nhận ở các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như Ngân hàng, Chứng khoán, Thép và nhu cầu trở lại ở nhóm Bán lẻ, Tiêu dùng. Hãy tập trung lựa chọn cổ phiếu ở các nhóm ngành trên, để nắm bắt sự luân chuyển của dòng tiền.

Luôn luôn quan sát thị trường ngay cả khi thị trường điều chỉnh.

“Hãy nghĩ sự điều chỉnh của thị trường giống như một vụ cháy rừng. Tuy rất đau đớn nhưng hoàn toàn cần thiết trong chu kỳ sống tự nhiên. Đám cháy rừng thiêu rụi những cây già, tạo ra khoảng không cho những cây non mới phát triển. Chính tại tâm điểm của đám cháy, nhiều giống mới nảy mầm, tạo nên những chiếc cây mới”

Khi đã đủ các yếu tố để xác nhận thị trường trong xu hướng giảm, điều tiên quyết là phòng thủ và bảo vệ thành quả. Thời điểm này, sẽ nhiều NĐT không còn quan sát thị trường, điều này sẽ làm cho chúng ta bỏ qua những tín hiệu mà thị trường xác nhận việc tạo đáy mới.

Hãy luôn chú ý đến 4 ngày tăng giá kể từ một đáy, vì đó là thể là “Ngày bùng nổ theo đà” xuất hiện giống như trong tháng 4 và tháng 7 năm 2020 (xem lại các bản tin trước của em). Đồng thời, việc quan sát các cổ phiếu trong xu hướng giảm của thị trường, sẽ giúp chúng ta hình thành được một danh sách cổ phiếu theo dõi, các nền giá mới được thiết lập và các mẫu hình đang hình thành. Để không bỏ lỡ những cơ hội mang lại hiệu suất tốt nhất.

Trước những thông tin về Covid-19, sự giãn cách xã hội, hay rất nhiều bài viết nhận định về vĩ mô, chu kỳ của thị trường. Ở bài viết này, em hy vọng mang đến một góc nhìn tích cực, một nguồn cảm hứng mang đến Quý NĐT – cùng hướng đến sự thành công trên TTCK.

Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét