Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Remind: Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp


VNIndex có mức giảm hơn 18% trong 2 tháng qua, buồn vui hay tiếc nuối thì cũng đã diễn ra, thị trường vẫn sẽ hoạt động theo cái cách mà nó sẽ đi. Theo tôi lúc này, NĐT nên đọc các dữ liệu mà thị trường để lại để có chiến lược giao dịch phù hợp trong thời gian tới.

Hầu hết chúng ta đều để ý đến điểm số của thị trường, bởi vì nó có tác động đến tâm lý và nhu cầu tìm kiếm của chúng ta. Tuy nhiên, nếu Quý NĐT có đọc chuỗi bài viết của tôi, sẽ hiểu rằng DÒNG TIỀN mới là yếu tố quyết định cho xu hướng của thị trường. Trong suốt 2 tháng qua, GTGD sụt giảm đáng kể khi trung bình phiên từ 13k – 15k tỷ, giảm hơn 20% so với vùng đỉnh của năm 2023 và tín hiệu này sẽ làm xu hướng thị trường thay đổi.

Với GTGD trung bình từ 13k - 15k tỷ như hiện tại, làm tôi liên tưởng đến sự vận động của VNIndex trong 6 tháng đầu năm 2023, khi đó thị trường giao dịch chậm và đi ngang trong một vùng biên độ là chủ đạo. Và chiến lược giao dịch trong giai đoạn thị trường có thanh khoản thấp đã được tôi đưa ra trong bài viết hồi tháng 3, tôi sẽ nhắc lại cho NĐT trong bài viết lần này nên mới có tiêu đề Remind: Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp

I. Xử lý thông tin – Phán đoán tình huống

Điểm lưu ý quan trọng nhất của chiến lược này, đó là việc xử lý các THÔNG TIN trên thị trường. Chúng ta đều hiểu rằng, thị trường thanh khoản thấp thì việc dùng truyền thông để định hướng dòng tiền là rất hiệu quả. Chính vì vậy, nhà tạo lập thị trường hoặc các đội nhóm có dòng tiền lớn, sẽ dùng cách truyền thông (báo chí) để ra các thông tin tích cực/tiêu cực các thời điểm quan trọng để tác động lên tâm lý và dòng tiền của những NĐT cá nhân.

Cũng như, trước các biến động của thế giới, chúng ta cũng đón nhận nhiều thông tin tiêu cực/tích cực song song, từ đó tác động lên tâm lý thị trường. Nên việc giải ngân theo thông tin rất dễ dẫn đến sai lầm và rủi ro lớn.

Khi chúng ta biết tin, thì là người biết cuối cùng

Thị trường tài chính hoạt động dựa trên tâm lý, tâm lý được hình thành bởi đám đông và đã là đám đông thì sẽ diễn ra tình huống “bất cân xứng thông tin”. Tức là trên thị trường có rất nhiều thông tin mà người này biết trước, người kia biết sau,… Và cũng chính vì lý do này, việc NĐT cá nhân biết tin tức trên truyền thông, thì thường là những người biết sau cùng – giai đoạn cuối của việc công bố thông tin.

Thử hỏi, nếu chúng ta là người biết cuối cùng, thì đó có còn là cơ hội không không? Chính vì vậy, khi đón nhận 1 thông tin chúng ta cần phải trả lời được các câu hỏi sau:

1. Thông tin này là mới hay cũ?

2. Thị trường nghĩ gì về thông tin này? Phán đoán thị trường phản ứng ra sao sau tin này?

3. Hệ quả tiếp theo (thông tin, sự kiện tiếp theo) ảnh hưởng lên thị trường sẽ là gì?

Việc trả lời được 3 câu hỏi trên, theo như trình tự sẽ có những tác động tích cực nhất định lên cả chuyên môn và hành động của chúng ta. Việc đánh giá lại thông tin – sẽ giúp mình trau dồi được kiến thức chuyên môn, đánh giá được mức ảnh hưởng của thông tin đó lên tâm lý thị trường. Và việc suy nghĩ về các sự kiện tiếp theo sẽ là gì, sẽ giúp chung ta chủ động hơn trong hành động, phán đoán được tình huống xảy ra, tránh sự hưng phấn/bi quan quá mức so với đám đông.

II. Sử dụng phân tích kỹ thuật

Công cụ Phân tích kỹ thuật sẽ thật sự hiệu quả trong việc xác định điểm ra/vào, bổ sung cho những đánh giá thông tin và phán đoán tình huống ở mục I. Bởi vì, các đánh giá và phán đoán trên, nó nằm ở chuyên môn và phân tích vĩ mô/cơ bản, còn cái quan tâm tiếp theo sẽ là HÀNH ĐỘNG GIÁ của thị trường là gì? Và chỉ có phân tích kỹ thuật mới giúp chúng ta làm được điều đó.

Phân tích kỹ thuật có rất nhiều tín hiệu, chỉ báo, ở giai đoạn hiện tại, theo em chúng ta chỉ cần quan tâm đến 2 nhóm chỉ báo như bên dưới:

1. Xác định vùng hỗ trợ/kháng cự của VNIndex (cổ phiếu)

Hỗ trợ/kháng cự là những lý thuyết cơ bản của Phân tích kỹ thuật, việc xác định được các vùng hỗ trợ/kháng cự sẽ giúp chúng ta phán đoán được hành động giá và phản ứng của đám đông (khối lượng) tại các vùng giá quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường sideway, thì hỗ trợ/kháng cự là chỉ báo kỹ thuật có tính hiệu quả cao – nếu chúng ta kết hợp thêm sự đánh giá thông tin, phán đoán tình huống thì sẽ tăng tính hiệu quả hơn nữa.

Thực tế:

Ngày 01/11, VNIndex sau giai đoạn giảm mạnh đã về vùng hỗ trợ mạnh 1010 – 1020 của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, thị trường lập tức phản ứng mạnh khi dòng tiền tham gia mạnh mẽ. Mẫu hình nến đảo chiều xu hướng giảm được hình thành.

Đồng thời, ngay tối hôm đó là cuộc họp của Fed thông báo về quyết định không nâng lãi suất trong năm 2023, đây là động thái tác động rất tích cực, giảm bớt áp lực cho TỶ GIÁ – vấn đề mà thị trường rất lo ngại. Thông tin này là quan trọng có yếu tố quyết định lên dòng tiền trên thị trường trong trung hạn chứ không phải 1 vài phiên giao dịch => Kết hợp với hô trợ mạnh 1010 – 1020, thì hành động của chúng ta là GIỮ hoặc MUA THĂM DÒ, chứ KHÔNG BÁN

2. Sử dụng Chỉ số kỹ thuật sức mạnh xu hướng

Trong hơn cả nghìn chỉ báo PTKT, nhưng chúng ta có thể chia thành 2 nhóm chính:

- Nhóm chỉ số trung bình động: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật SỬ DỤNG TỐT NHẤT trong thời điểm thị trường có XU HƯỚNG MẠNH (như TĂNG MẠNH/GIẢM MẠNH). Thường cách giao dịch ở nhóm chỉ số này là dùng làm kháng cự/hỗ trợ, điểm giao cắt giữa đường nhanh và đường chậm,… Nhóm chỉ số trung bình động này như là Moving Average, Bollinger Band, Đám mây Ichimoku,…

- Nhóm chỉ số sức mạnh xu hướng: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật sử dụng phải linh hoạt hơn, trong thời điểm thị trường có XU HƯỚNG MẠNH thì sẽ sử dụng theo chiến lược đánh giá sức mạnh xu hướng đó. Còn trong thời điểm thị trường có XU HƯỚNG KHÔNG RÕ RÀNG như Sideway, thanh khoản thấp thì sử dụng nhóm chỉ số này rất hiệu quả. Cách sử dụng đơn giản là hướng đi của chỉ số, đảo chiều của chỉ số, phổ biến hơn là quá bán/quá mua/phân kỳ,… như Stochastic, Commodity Channel Index (CCI), Relative Strength Index (RSI), Average Directional Index (ADX), Momentum,…

Thực tế:

Đồ thị cổ phiếu HSG ngày 27/10 là phiên tăng điểm mạnh, kèm theo đó là thanh khoản ở mức trung bình. Theo nguyên tắc, trong xu hướng giảm của cổ phiếu, thì đây chưa phải là phiên mua đối với HSG. Tuy nhiên, nếu kết hợp các chỉ báo, chúng ta có thể thấy chỉ báo RSI đã ở vùng quá bán và cho tín hiệu phân kỳ dương đảo chiều xu hướng giảm.

Kết hợp với diễn biến của VNIndex cũng tốt hơn, thì chúng ta có thể hành động MUA THĂM DÒ đối với HSG, hoặc ít ra nếu đang lỗ HSG trong danh mục thì KHÔNG NÊN BÁN.

Đây là chiến lược giao dịch trong thị trường thanh khoản thấp, không phải là chiến lược mới, nên tôi chỉ nhắc lại để NĐT có thể nắm thông tin. Đồng thời, tôi xin nhắc lại đây là cách làm phù hợp cho những NĐT đang loay hoay không biết làm gì trong thị trường này, cũng như trading có tính hiệu quả hơn, biết được mình nên làm gì hơn. Tránh được Fomo và sợ hãi khi thị trường hoạt động mà mình giao dịch 1 cách không có nguyên tắc nào.


Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét