Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

“Ngày bùng nổ theo đà" xuất hiện và Hành động cho nhịp tăng mới

 

Trong bài viết ở tuần trước, em nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của NĐT, điều đó cho thấy TÂM LÝ HÀNH VI TRÊN TTCK là một phần không thể thiếu, và chúng ta đều mong muốn được làm chủ vấn đề này. Tuy nhiên, cần rất nhiều thời gian để trải nghiệm và đúc kết kinh nghiệm cho bản thân dựa trên những nguyên tắc đầu tư phù hợp cho riêng mình.

Trở lại bài viết hôm nay, nếu NĐT theo dõi chuỗi bài viết của em, đều biết Khái niệm NGÀY BÙNG NỔ THEO ĐÀ là một trong những tiêu chí dễ tiếp cận và dễ hiểu nhất để xác định thị trường quay trở lại xu hướng tăng mới. Và tín hiệu này đã xuất hiện trong tuần qua, tuy nhiên lần Bùng nổ theo đà này có gì khác so với 3 lần trước? và Hành động như thế nào để phù hợp?, em sẽ trao đổi với bài viết với tiêu đề: “NGÀY BÙNG NỔ THEO ĐÀ” VÀ HÀNH ĐỘNG CHO NHỊP TĂNG MỚI.

Nội dung bài viết gồm 3 phần chính:

I. XUẤT HIỆN “NGÀY BÙNG NỔ THEO ĐÀ” – TÍN HIỆU CHO NHỊP TĂNG MỚI.

II. CÓ SỰ KHÁC NHAU NÀO GIỮA LẦN NÀY VỚI CÁC LẦN TRƯỚC?

III. HÀNH ĐỘNG CHO NHỊP TĂNG MỚI. 

==============================================

I. XUẤT HIỆN “NGÀY BÙNG NỔ THEO ĐÀ” – TÍN HIỆU CHO NHỊP TĂNG MỚI.

Thị trường tuần qua đã bật tăng trở lại khi các thông tin về KQKD Quý 2 dần công bố, tình hình Covid-19 cũng đã có những bước tích cực hơn, điều này đã làm tâm lý NĐT đều lạc quan hơn vào nhịp tăng mới. Trong các bài viết trước, em đã cùng trao đổi và đưa ra nhận định thị trường vẫn đang trong một nhịp điều chỉnh bình thường, việc của chúng ta là chờ đợi tín hiệu cho nhịp tăng mới.

Để bài viết không quá dài, em muốn tập trung vào vấn đề chính, và dành cho những NĐT còn nghi ngờ về Ngày bùng nổ theo đà – có thể đọc các bài viết TẠI ĐÂY với các Ngày như 06/04/2020, 03/08/2020 và 03/02/2021.

KIỂM TRA CÁC TÍN HIỆU VỀ “NGÀY BÙNG NỔ THEO ĐÀ”

“Theo nghiên cứu của IBD về tất cả chu kỳ thị trường tăng giá từ năm 1880 đến nay đã phát hiện, không có xu hướng tăng bền vững nào mà không bắt đầu bằng Ngày bùng nổ theo đà” – Trích sách Làm giàu từ Chứng khoán.

Như đã đề cập trong các bài viết trước, “Ngày Bùng nổ theo đà” là một trong những tín hiệu cho việc thị trường ngừng rơi, và nó được xem như là 1 kim chỉ nam để xác nhận thị trường quay trở lại xu hướng tăng giá mới – để từ đó, nhắc NĐT chúng ta quay trở lại cho một nhịp tăng mới. Em xin gửi lại Check list để NĐT cùng thực hành với em:

Dựa theo bảng đánh giá trên, VNINDEX đã chính thức Xác nhận có “Ngày bùng nổ theo đà” vào ngày 30/07/2021 – với bản chất của “Ngày bùng nổ theo đà” là ngày giao dịch có sự bùng nổ, lan tỏa cho toàn thị trường, kích hoạt cho một thị trường tăng giá mới. Em nghĩ rằng chúng ta có đủ cơ sở để tin vào đợt phục hồi mạnh mẽ lần này của VNINDEX, và đây là thời điểm để chúng ta tự tin giải ngân để lựa chọn được những cơ hội tốt.

Đợt sụt giảm vào đầu tháng 7, VNINDEX có sự điều chỉnh mạnh mẽ khi có mức giảm đạt 13,96%, P/E của thị trường đã giảm đáng kể khi rơi từ 19.3 về 16.7, kích thích dòng tiền vào lại cùng với sự tham gia của dòng tiền từ NĐT nước ngoài với sự mua ròng gần 4.000 tỷ đồng, tạo lực cầu mạnh mẽ khi nhiều cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng là thời điểm cho một sự đánh giá mới cho tình hình các doanh nghiệp sau đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã thích nghi với dịch bệnh và đã có những sự “chuẩn bị” tốt, ngành nghề ít chịu ảnh hưởng hay được hưởng lợi từ dịch bệnh, sẽ là tác động chính vào chỉ số giúp chỉ số phục hồi mạnh mẽ.

Với việc xác nhận về “Ngày bùng nổ theo đà” – nó không phải là một ngày thần thánh mà sau đó, thị trường chứng khoán phải tăng mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận lớn. Không! Ý nghĩa của phiên này giúp chúng ta xác nhận việc thị trường tạo đáy mới, xu hướng giảm đã bị phá vỡ và sự tham gia của dòng tiền lớn sau giai đoạn đứng ngoài thị trường quá lâu.

II. CÓ SỰ KHÁC NHAU NÀO GIỮA LẦN NÀY VỚI CÁC LẦN TRƯỚC?

Theo như bảng Check list ở trên, VNINDEX đã có Ngày bùng nổ theo đà với đúng các tiêu chí, lần xuất hiện này cũng có những cái khác so với những lần trước và cũng với đó là những đánh giá của riêng em, em xin phân tích cùng NĐT:

1. Ngày bùng nổ theo đà xuất hiện khá muộn:

Trong 3 lần xuất hiện trước đây tính từ Tháng 4/2020, Ngày bùng nổ theo đà thường xuất hiện từ ngày 4 đến ngày 5, rất sát với những phiên rũ bỏ mạnh và tạo đáy, cho thấy dòng tiền rất mạnh mẽ và quyết liệt. Tuy nhiên, lần này lại xuất hiện vào ngày thứ 9 – điều này cho thấy dòng tiền vào TT đã khác trước, lực có vẻ yếu đi bởi những lo ngại về rủi ro hệ thống để lại, cùng với đó là tình hình Covid-19 vẫn còn phức tạp. Cũng như, ở tín hiệu này có thể thấy cơ hội trên thị trường sẽ ít lại, sẽ không còn đại trà như trước khi chỉ số cũng đã ở vùng khá cao so với trước đây.

2. Thay đổi nhóm “tạo đáy trước thị trường”:

Trong những lần thị trường giảm mạnh các đợt trước, nhóm Bank – Chứng – Thép là nhóm có lực vào mạnh, tạo đáy và bứt phá ngay khi thị trường tạo đáy, nhiều mã thu hút dòng tiền rất khỏe. Ở lần bứt phá này, thì không hẳn như vậy, tất nhiên thì để có 1 Ngày bùng nổ theo đà thì không thể thiếu nhóm Tài chính vì nhóm này chiếm vốn hóa lớn, nhưng nếu NĐT chịu quan sát sẽ thấy, dòng tiền cho lần này tập trung nhiều vào nhóm Bất Động Sản hơn, khi nhóm này đã tăng mạnh trước khi VNINDEX tạo đáy.

3. Ngày bùng nổ theo đà Trùng với ngày ETF cơ cấu Danh mục:

Trong tuần vừa qua, cũng là tuần cuối cùng để các Quỹ ETF cơ cấu danh mục của mình sau khi VN30 đã thay đổi một số mã. Chính vì vậy, sự cơ cấu này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chỉ số, theo hướng tiêu cực, khi nhiều tổ chức thường sẽ thận trọng trước động thái cơ cấu của ETF.

Với sự đánh giá về 3 điểm khác nhau ở trên, em kết luận rằng: Ngày bùng nổ theo đà của VNINDEX lần này sẽ không dẫn đến một sự tăng “ầm ầm” thuận lợi như các đợt trước, mà sẽ là những đợt tăng/giảm xuất hiện thường xuyên hơn (tất nhiên xu hướng vẫn là tăng). Cùng với đó là dòng tiền trong thời gian tới sẽ thận trọng và phân hóa rõ ràng hơn, sẽ không còn là “Mua đâu Thắng đấy” nữa mà sẽ là sự chọn lựa khắt khe hơn, cơ bản hơn và có tiềm năng thật sự. Sự kiện Covid-19 lần này cũng sẽ là một điểm đáng lưu ý để chúng ta lên danh mục đón sóng Quý 3 và Quý 4.

III. HÀNH ĐỘNG CHO NHỊP TĂNG MỚI. 

Khi ngày Bùng nổ theo đà, kèm theo đó là cảm giác về một cú tăng mạnh mẽ, rất dễ dẫn đến hiệu ứng FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ), điều này sẽ khiến chúng ta giải ngân không có kiểm soát và không có kế hoạch, nên em đưa ra một số hành động sau:

(1) Giải ngân từ từ: Sự hưng phấn và mong muốn tìm kiếm Lợi nhuận nhanh chóng sẽ làm chúng ta giải ngân toàn bộ Tài khoản. Nhưng hãy tưởng tượng rằng, khi Tín hiệu giao thông mới chuyển từ đèn đỏ sang đèn xanh, chúng ta lao nhanh ra ngã tư mà không quan sát thì cảnh tượng sẽ khủng khiếp như thế nào.

Đồng thời, phân chia tỷ lệ giải ngân cũng là một “nghệ thuật” trong chứng khoán, việc chia tỷ lệ giải ngân vừa giúp chúng ta sở hữu được cổ phiếu, vừa kiểm soát rủi ro.

(2) Thay đổi nhóm Cổ phiếu chiến lược: Như em nói ở trên, nhiều nhóm CP đã tăng bằng lần trong đợt tăng vừa rồi, với đánh giá ở mục II, việc tiếp cận với nhóm ngành khác như Bất động sản, Tiêu dùng,… sẽ tạo được cảm hứng và những chọn lựa mới cho NĐT.

(3) Luôn có phương án kiểm soát rủi ro: Trong đợt giảm vừa qua, kể cả trong những lần điều chỉnh trước, nhiều NĐT đều mất hết thành quả trong mỗi lần điều chỉnh mạnh. Chính vì vậy, việc vạch ra 1 kế hoạch quản trị rủi ro như em đề cập trong Bản tin tháng 7 là một chiến lược cần phải có, giúp NĐT vừa giữ được thành quả đầu tư vừa rèn luyện tâm lý của mình trong mỗi lần điều chỉnh.

- The S.U.N Investment System -


Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét