Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

VNIndex ngừng rơi – Chờ đợi “Ngày bùng nổ theo đà”

Có lẽ trong tuần giao dịch vừa qua là giai đoạn cực kỳ khó khăn của phần lớn NĐT giữ cổ phiếu, khi VNIndex có 4/5 phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ. Và cũng có lẽ, đây là thời điểm nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện, một phần muốn bán, một phần mua; một phần thấy đây là cơ hội, nhưng cũng một phần thì sợ thị trường điều chỉnh tiếp tục,…

Vì có quá nhiều câu hỏi, nên có thể chúng ta quên mất thật ra chúng ta đã có câu trả lời. Nếu theo dõi chuỗi bài viết của em, NĐT đều quen thuộc với Ngày “bùng nổ theo đà” để xác định chu kỳ trăng mới. Hôm nay em xin gửi đến bài viêt: VNIndex ngừng rơi – Chờ đợi “Ngày bùng nổ theo đà”.

Nội dung Email gồm các phần chính sau:

I. Xu hướng chính của Thị trường hiện tại.

II. Chờ đợi “Ngày bùng nổ theo đà” – Tiêu chí xác nhận chu kỳ tăng mới.

III. Hành động theo từng phân loại Nhà đầu tư.

_______________________________

I. Xu hướng chính của Thị trường hiện tại

Trong bản tin tháng 5/2022, với bài viết Thị trường vào Downtrend – Hành động theo “trend” (Xem lại TẠI ĐÂY), và nhận định này vẫn còn giữ nguyên giá trị và sự chính xác của nó. Sau khi có mức giảm hơn 20% từ đỉnh, VNIndex hiện vẫn đang vận động chính trong xu hướng Downtrend dài hạn.

Tuy nhiên, TTCK vẫn có sự vận động riêng của nó, nếu gọi là downtrend thì cũng không giảm mạnh 1 thời gian dài được, mà xen kẽ ở đó là những nhịp đi ngang. Cụ thể là từ giai đoạn Tháng 6 – tháng 9, VNIndex đi ngang trong biên độ 180 điểm từ vùng 1.140 – 1.320 điểm, một biên độ đủ lớn để tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Xu hướng ngắn hạn này gọi là Sideway down (đi ngang trong xu hướng giảm).

Đặc điểm của Sideway down là sự biến động mạnh và nhiễu tín hiệu kỹ thuật, nên việc nắm bắt thời điểm vào thị trường và thời điểm rút lui cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sự kiên nhẫn vào những thời điểm nhạy cảm trên là yếu tố rất cần thiết và cần rèn luyện trong thời gian tới. Sẽ ra sao nếu như chúng ta duy trì trạng thái full cổ phiếu lúc VNIndex chạm và kháng cự trên? Và sẽ thật đáng tiếc nếu như chúng ta bán hết cổ phiếu khi VNIndex chạm vào hỗ trợ dưới! Cảm xúc lúc đó sẽ khó mà diễn tả được.

 

II. Chờ đợi “Ngày bùng nổ theo đà” – Tiêu chí xác nhận chu kỳ tăng mới

VNIndex trong tuần qua có 4/5 phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ. Vẫn đang còn nhiều đánh giá về thị trường, P/E đã ở vùng hấp dẫn, chỉ số vĩ mô tháng 9 của Việt Nam tốt sẽ hỗ trợ thị trường,… ĐÚNG! Đây là những thông tin tích cực, nhưng nếu chúng ta không nắm rõ hết 1 bức tranh vĩ mô lớn, vận dụng nhiều kiến thức chuyên môn để xử lý các thông tin trên thì rất dễ có hành động không hợp lý.

Ngày bùng nổ theo đà (Follow – Through Day) vẫn là công cụ đơn giản nhất, dễ hiểu với những con số thống kê rõ ràng, cụ thể và dễ tiếp cận với phần lớn các NĐT. Mà NĐT theo dõi chuỗi bài viết của em đều biết về tín hiệu này.

Các tiêu chí để xác định Ngày bùng nổ theo đà

1. Đáy mới: Khi thị trường chung đang trong xu hướng giảm, hãy tìm kiếm ít nhất các chỉ số chính (VNINDEX, VN30, VN100) thiết lập đáy mới.

2. Đợt Nỗ lực phục hồi: sau ngày thiết lập đáy mới, hãy tìm kiếm 1 ngày mà chỉ số thị trường đóng cửa cao hơn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chỉ số thị trường đang chặn đa giảm lại, đã tạo “đáy” xong và đang trên đường bật tăng trở lại.

3. Ngày Bùng nổ theo đà (Follow Through Day – FTD):

- Thường xuất hiện sau ngày thứ 3 của Đợt phục hồi, phổ biến nhất là xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nhưng đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn.

- Chỉ số phải có 1 ngày tăng giá mạnh, thông thường phải từ 1.2% - 2%, với khối lượng cao hơn ngày trước đó.


Theo các tiêu chí trên, với sự phục hồi mạnh vào ngày 30/09 – VNIndex cho chúng ta đếm Ngày 1 đếm của Đợt Nỗ lực phục hồi. Và đây mới là ngày đầu tiên, chúng ta cần kiên nhẫn chờ thêm các đặc điểm của các ngày tiếp theo phù hợp tiêu chí để xác nhận thị trường tạo đáy thành công.

Ngày bùng nổ theo đà sẽ xuất hiện từ trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, chính vì vậy Nhà đầu tư chúng ta có rất nhiều thời gian để quan sát và lên kế hoạch hành động, không nên quá vội vàng. Điều cần làm bây giờ là giữ cho tài khoản ở mức cân bằng để có thể quan sát trong 1 tâm thế khách quan nhất.


III. Hành động theo từng phân loại Nhà đầu tư

Tiếp nối phân tích ở trên, em tin chắc rằng NĐT đọc bài viết của em cũng rất đa dạng vị thế trong tài khoản của mình. Nên để có 1 tâm thế quan sát khách quan nhất, NĐT cần hành động cho phù hợp, vì nếu thị trường xác định chu kỳ tăng mới, chúng ta có nhiều hơn 1 cơ hội để tìm kiếm lãi trên thị trường.

1. Nhà đầu tư Nắm giữ nhiều cổ phiếu, có sử dụng margin: chắc hẳn đây là nhóm NĐT chịu nhiều áp lực nhất trong tuần qua, biến động của thị trường là quá lớn nên sẽ ảnh hưởng lên tâm lý và cảm xúc của mình. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chấp nhận thực tại, hạ tỷ trọng cổ phiếu – hoặc chí ít là bán hết margin khi thị trường phục hồi trong tuần tới. Để tránh biến động của thị trường ảnh hưởng lên góc nhìn của mình.

2. Nhà đầu tư thận trọng, duy trì trạng thái cân bằng giữ cổ phiếu và tiền mặt: việc duy trì trạng thái cân bằng giúp chúng ta ít áp lực hơn nhóm 1, tuy nhiên cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại trong đợt giảm vừa qua. Nhưng sự khác biệt nữa là nhóm này sẽ còn sức mua, nên đối với nhóm này, chúng ta cũng cần kiên nhẫn quan sát, hạn chế mua trung bình giá và tiếp tục gia tăng tiền mặt nếu có thể.

3. Nhà đầu tư cầm tiền, đang đứng ngoài thị trường: đây là nhóm NĐT thoải mái nhất và nhìn thấy cơ hội nhiều nhất từ đợt giảm vừa qua. Những NĐT đủ kiên nhẫn chờ đợi VNIndex điều chỉnh thì nếu theo tiêu chí Ngày bùng nổ theo đà, chúng ta chờ đợi thêm vài phiên nữa cũng không sao. Việc tham gia quá sớm khi thị trường chưa xác nhận đủ tín hiệu sẽ rất “uổng công” chờ đợi suốt thời gian qua.




Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét