Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp - Kỳ 2

 

Kể từ Kỳ 1 của Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp, VNIndex vẫn tiếp tục vận động yếu, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, đồng thời NĐT đón nhận rất nhiều tin tức cả tích cực/tiêu cực từ thị trường.

Hầu hết NĐT giao dịch giai đoạn này rất dễ bị thông tin tác động, ngoài ra đó là sự khó đoán của thị trường, dễ làm cho chúng ta chán nản hơn. Tiếp nối trong bài viết trước, nhận thấy chủ đề được nhiều NĐT quan tâm, em gửi đến bài viết tiếp theo: Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp - Kỳ 2.

I. Xử lý thông tin – Phán đoán tình huống.

II. Sử dụng phân tích kỹ thuật.

-----------------------------------------------------------------------------

Điều đầu tiên, để bài viết không quá dài, Quý NĐT xem lại kỳ 1 TẠI ĐÂY. Ngoài ra, dựa trên các bản tin kỳ trước, em và tất cả mọi người đều đồng ý với nhau là thị trường đang vận động trong bối cảnh thanh khoản thấp.

Và trong bối cảnh như hiện tại, kỳ vọng 1 xu hướng tăng mạnh mẽ là không thể xảy ra, nên giao dịch theo chiến lược thị trường uptrend là không hiệu quả. Nên nếu Quý NĐT muốn tìm kiếm Chiến lược giao dịch phù hợp cho giai đoạn hiện tại thì chúng ta đọc tiếp các mục bên dưới.

I. Xử lý thông tin – Phán đoán tình huống

Ở bài viết trước, em có nhắc Điểm lưu ý quan trọng nhất của chiến lược này, đó là việc xử lý các THÔNG TIN trên thị trường. Chúng ta đều hiểu rằng, thị trường thanh khoản thấp thì việc dùng truyền thông để định hướng dòng tiền là rất hiệu quả. Chính vì vậy, nhà tạo lập thị trường hoặc các đội nhóm có dòng tiền lớn, sẽ dùng cách truyền thông (báo chí) để ra các thông tin tích cực/tiêu cực các thời điểm quan trọng để tác động lên tâm lý và dòng tiền của những NĐT cá nhân.

Cũng như, trước các biến động của thế giới, chúng ta cũng đón nhận nhiều thông tin tiêu cực/tích cực song song, từ đó tác động lên tâm lý thị trường. Nên việc giải ngân theo thông tin rất dễ dẫn đến sai lầm và rủi ro lớn.

Khi chúng ta biết tin, thì là người biết cuối cùng

Thị trường tài chính hoạt động dựa trên tâm lý, tâm lý được hình thành bởi đám đông và đã là đám đông thì sẽ diễn ra tình huống “bất cân xứng thông tin”. Tức là trên thị trường có rất nhiều thông tin mà người này biết trước, người kia biết sau,… Và cũng chính vì lý do này, việc NĐT cá nhân biết tin tức trên truyền thông, thì thường là những người biết sau cùng – giai đoạn cuối của việc công bố thông tin.

Thử hỏi, nếu chúng ta là người biết cuối cùng, thì đó có còn là cơ hội không không? Chính vì vậy, khi đón nhận 1 thông tin chúng ta cần phải trả lời được các câu hỏi sau:

1. Thông tin này là mới hay cũ?

2. Thị trường nghĩ gì về thông tin này? Phán đoán thị trường phản ứng ra sao sau tin này?

3. Hệ quả tiếp theo (thông tin, sự kiện tiếp theo) ảnh hưởng lên thị trường sẽ là gì?

Việc trả lời được 3 câu hỏi trên, theo như trình tự sẽ có những tác động tích cực nhất định lên cả chuyên môn và hành động của chúng ta. Việc đánh giá lại thông tin – sẽ giúp mình trau dồi được kiến thức chuyên môn, đánh giá được mức ảnh hưởng của thông tin đó. Và việc suy nghĩ về các sự kiện tiếp theo sẽ là gì, sẽ giúp chung ta chủ động hơn trong hành động, phán đoán được tình huống xảy ra, tránh sự hưng phấn/bi quan quá mức so với đám đông.

II. Sử dụng phân tích kỹ thuật

Công cụ Phân tích kỹ thuật sẽ thật sự hiệu quả trong việc xác định điểm ra/vào, bổ sung cho những đánh giá thông tin và phán đoán tình huống ở mục I. Bởi vì, các đánh giá và phán đoán trên, nó nằm ở chuyên môn và phân tích vĩ mô/cơ bản, còn cái quan tâm tiếp theo sẽ là HÀNH ĐỘNG GIÁ của thị trường là gì? Và chỉ có phân tích kỹ thuật mới giúp chúng ta làm được điều đó.

Phân tích kỹ thuật có rất nhiều tín hiệu, chỉ báo, ở giai đoạn hiện tại, theo em chúng ta chỉ cần quan tâm đến 2 nhóm chỉ báo như bên dưới:

1. Xác định vùng hỗ trợ/kháng cự của VNIndex (cổ phiếu)

Hỗ trợ/kháng cự là những lý thuyết cơ bản của Phân tích kỹ thuật, việc xác định được các vùng hỗ trợ/kháng cự sẽ giúp chúng ta phán đoán được hành động giá và phản ứng của đám đông (khối lượng) tại các vùng đó. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường sideway, thì hỗ trợ/kháng cự là chỉ báo kỹ thuật có tính hiệu quả cao – nếu chúng ta kết hợp thêm sự đánh giá thông tin, phán đoán tình huống thì sẽ tăng tính hiệu quả hơn nữa.

Ví dụ:

Ngày 14/03, VNIndex điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1030 – 1035 đã thiết lập trước đó, trong phiên này không xảy ra hiện tượng bán tháo, mà thay vào đó dòng tiền còn thích cực hơn khi khối lượng giao dịch tăng lên. Đối với tâm lý NĐT phiên đó thì rất bi quan, nên khi quan sát được hành động giá, chúng ta sẽ nghiêng về hành động Giữ hoặc Mua, chứ không phải Bán.

Tối 14/03, NHNN ra thông tin về việc hạ lãi suất điều hành, tuy nhiên khi đánh giá lại thông tin, chúng ta đều biết được việc hạ lãi suất này nhằm mục đích tăng tính thanh khoản, NHNN muốn phòng ngừa rủi ro hệ thống chứ bản chất  KHÔNG PHẢI LÀ BƠM TIỀN. Chính vì vậy, thông tin này sẽ tích cực vào phiên giao dịch tiếp theo (15/03) với tác động ngắn hạn, chứ về dài hạn thì chưa có tích cực nhiều => Kết hợp với kháng cự ở kênh giá giảm từ vùng 1060 – 1065, thì hành động của chúng ta là Giữ hoặc Bán, chứ không Mua.


2. Sử dụng Chỉ số kỹ thuật sức mạnh xu hướng

Trong hơn cả nghìn chỉ báo PTKT, nhưng chúng ta có thể chia thành 2 nhóm chính:

- Nhóm chỉ số trung bình động: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật SỬ DỤNG TỐT NHẤT trong thời điểm thị trường có XU HƯỚNG MẠNH (như TĂNG MẠNH/GIẢM MẠNH). Thường cách giao dịch ở nhóm chỉ số này là dùng làm kháng cự/hỗ trợ, điểm giao cắt giữa đường nhanh và đường chậm,… Nhóm chỉ số trung bình động này như là Moving Average, Bollinger Band, Đám mây Ichimoku,…

- Nhóm chỉ số sức mạnh xu hướng: đây là nhóm chỉ số kỹ thuật sử dụng phải linh hoạt hơn, trong thời điểm thị trường có XU HƯỚNG MẠNH thì sẽ sử dụng theo chiến lược đánh giá sức mạnh xu hướng đó. Còn trong thời điểm thị trường có XU HƯỚNG KHÔNG RÕ RÀNG như Sideway, thanh khoản thấp thì sử dụng nhóm chỉ số này rất hiệu quả. Cách sử dụng đơn giản là hướng đi của chỉ số, đảo chiều của chỉ số, phổ biến hơn là quá bán/quá mua/phân kỳ,… như Stochastic, Commodity Channel Index (CCI), Relative Strength Index (RSI), Average Directional Index (ADX), Momentum,…

Ví dụ:

Đồ thị SSI vào ngày 31/01/2023, SSI cho phiên tăng điểm mạnh và break được đỉnh cũ trước đó. Theo nguyên tắc trong thị trường Uptrend mạnh, thì đây là điểm gia tăng rất tốt. Tuy nhiên, đây là thời điểm thị trường yếu với thanh khoản thấp, sự hưng phấn của NĐT không kéo dài nhiều phiên, nên nếu để ý – chúng ta sẽ thấy RSI đã tiến sát vùng quá mua và ngày 01/02/2023 SSI đã cho tín hiệu phân kỳ âm đảo chiều xu hướng tăng.

Như vậy, tiếp nối bài viết trước, thông qua bài viết Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp - Kỳ 2 lần này, em gửi đến NĐT hướng đi cụ thể hơn trong bối cảnh thị trường hiện tại. Em xin nhắc lại đây là cách làm phù hợp cho những NĐT đang loay hoay không biết làm gì trong thị trường này, cũng như trading có tính hiệu quả hơn, biết được mình nên làm gì hơn. Tránh được Fomo và sợ hãi khi thị trường hoạt động 1 cách không có nguyên tắc nào.

Đây cũng là bài viết cuối trong chuỗi Chiến lược trong thị trường thanh khoản thấp, em hy vọng sẽ giúp NĐT có thêm những cách đầu tư mới hơn. Quý NĐT muốn biết rõ hơn, để hiểu hơn, tính linh hoạt trong giao dịch thì hãy liên hệ The S.U.N Investment System để được hỗ trợ thêm.




Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét