Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Thị trường giảm điểm - Nên làm gì?

VNIndex sau hơn 1 tháng vận động đi ngang, với các tín hiệu phân phối về kỹ thuật cũng như thông tin xấu về vĩ mô. Thị trường đã có phiên điều chỉnh kỹ thuật với mức giảm hơn 102 điểm (-7.9%), đây là mức điều chỉnh lớn nhất trong suốt 6 tháng qua kể từ khi nhịp giảm mạnh vào tháng 9/2023. Thời điểm này sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra, chúng ta nên làm gì lúc này? Nên chủ động giao dịch hay bị động để thị trường quyết định?

Hiểu được điều này, em xin gửi đến bài viết: Nên làm gì lúc này? gồm các góc nhìn sau:

I. Thị trường có thật sự xấu như chúng ta nghĩ?

II. Xác định chúng ta là ai?

III. Hành động cụ thể cho chúng ta

----------------------------------------------------

I. Thị trường có thật sự xấu như chúng ta nghĩ?

VNIndex đã có mức giảm 7.9% trong các phiên vừa qua, nhiều cổ phiếu cũng đã giảm từ 10% - 15% từ đỉnh, điều này sẽ làm chúng ta mất niềm tin vào thị trường, cảm thấy mọi thứ tồi tệ như 1 canh bạc,… nhưng liệu rằng thị trường có thật sự xấu như chúng ta nghĩ? Chúng ta nên xem lại lịch sử để đánh giá đúng tình hình hiện tại hơn.


VNIndex luôn luôn như vậy, trong một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ, đều xuất hiện các đợt điều chỉnh mạnh từ 10% - 15%. Như chu kỳ tăng giá từ 2020 – 2022, thị trường đã có 3 lần điều chỉnh với mức giảm hơn 10%, và sau những lần điều chỉnh đó, thị trường lại đi lên tốt hơn, tiếp nối chu kỳ tăng giá.

Điều chỉnh diễn ra là bởi vì trên thị trường này, là tập hợp của rất rất nhiều NĐT có khẩu vị khác nhau, tạo ra mua/bán khác nhau. Nên việc chúng ta quá bi quan, lo sợ, hoặc cảm thấy tồi tệ khi điều chỉnh là điều không tốt, chúng ta phải tiếp cận thị trường với một góc nhìn đúng: sự điều chỉnh ở 1 chu kỳ tăng giá, là 1 sự kiện diễn ra bình thường mà chúng ta sẽ gặp phải trong đầu tư, hãy tỉnh táo và có hành động phù hợp cho khẩu vị đầu tư của mình.

II. Xác định chúng ta là ai?


Cụ thể hơn, đó là Xác định phong cách đầu tư của chúng ta là gì? Khi thị trường điều chỉnh, đối với NĐT Giao dịch sôi động thì là không tốt, nhưng đối với NĐT theo phong cách Nắm giữ thì lại là tín hiệu tốt khi giá được chiết khấu nhiều. Ngoài ra, đối với 2 phong cách đầu tư này, tâm lý cũng sẽ khác nhau, hành động mua bán cũng sẽ khác nhau, nên chúng ta cần xác định rõ kẻo hành động theo kiểu “râu ông này, cắm cằm bà kia”.

Việc xác định phong cách đầu tư, em đã từng nêu rất rõ ở các bài viết trước, có thể xem lại TẠI ĐÂY với các đặc điểm rất cụ thể, sẽ giúp chúng ta xác định được mình là ai, từ đó có những hành động phù hợp hơn cho giai đoạn này.

III. Hành động cụ thể cho chúng ta

Như vậy, em xin tổng hợp lại 2 ý chính ở bài viết này: Thị trường đang ở nhịp điều chỉnh bình thường và Xác định phong cách đầu tư của chúng ta để có hành động phù hợp.

“Tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa 2 phong cách đầu tư”

1. Phong cách Nắm giữ

Đối với phong cách đầu tư này, vì thời gian nắm giữ sẽ lâu nên chỉ tham gia khi VNIndex có xu hướng rõ ràng, các yếu tố vĩ mô dần ủng hộ cho sự tăng trưởng sắp tới. Đối với sự biến động của thị trường hiện tại, theo em việc cần làm bây giờ của nhóm này là Quan sát tín hiệu của Ngày bùng nổ theo đà, khi Ngày này xuất hiện sẽ đảm bảo hơn cho xu hướng tăng, sẽ là thời điểm giải ngân tốt hơn.

Cụ thể đặc điểm của Ngày này như sau:

(1) Đáy mới: Khi thị trường chung đang trong xu hướng giảm, hãy tìm kiếm ít nhất các chỉ số chính (VNINDEX, VN30, VN100) thiết lập đáy mới.

(2) Đợt Nỗ lực phục hồi: sau ngày thiết lập đáy mới, hãy tìm kiếm 1 ngày mà chỉ số thị trường đóng cửa cao hơn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chỉ số thị trường đang chặn đa giảm lại, đã tạo “đáy” xong và đang trên đường bật tăng trở lại.

(3) Ngày Bùng nổ theo đà (Follow Through Day – FTD): thường xuất hiện sau ngày thứ 3 của Đợt phục hồi, phổ biến nhất là xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nhưng đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn. Chỉ số phải có 1 ngày tăng giá mạnh, thông thường phải từ 1.2% - 2%, với khối lượng cao hơn ngày trước đó.

2. Phong cách Giao dịch sôi động

Đối với phong cách đầu tư này, việc giao dịch mỗi ngày hoạt động mà chúng ta đều làm, dù điều kiện thị trường xấu hay tốt. Khái niệm “bắt đáy” sẽ dành cho nhóm phong cách đầu tư này, vì chúng ta hiểu rằng giao dịch mỗi ngày là phải chấp nhận rủi ro đi cùng.

Em không khuyến khích chúng ta giao dịch sôi động lúc thị trường nhiều biến động như hiện tại. Những NĐT sử dụng phong cách này cần lưu ý 1 số đặc điểm ưu tiên để mình giải ngân như sau:

(1) BÁN dừng lỗ ngay lập tức các cơ hội đang bị kẹt, nếu cổ phiếu đã vi phạm ngưỡng dừng lỗ. Cần phải hiểu việc giao dịch sôi động cần có nguyên tắc và kỷ luật đầu tư rõ ràng.

(2) Tiếp theo là quan sát thị trường, là cần xác định ngưỡng hỗ trợ/kháng cự của thị trường.

(3) Hãy sử dụng các chỉ báo sức mạnh xu hướng như RSI, MACD,… để tìm điểm đảo chiều. Kết hợp cùng với mẫu hình nến đảo chiều để tăng tính chắc chắn cho việc giải ngân của mình.

Đối với phong cách Giao dịch sôi động, điều cần thiết nhất đó là sự kỷ luật trong giao dịch, giai đoạn này cũng không phải đoạn thuận lợi cho Giao dịch sôi động, nhưng nếu NĐT đã theo chiến lược này thì tham khảo các bước em nêu trên.


Related Posts:

0 Comments:

Đăng nhận xét